NHỮNG ĐIỂM CHÍNH CỦA SINH HOẠT CHUYÊN MÔN
TRIẾT LÝ CỦA SINH HOẠT CHUYÊN MÔN MỚI
Khi đề cập đến sinh hoạt chuyên môn, thì câu hỏi quan trọng nhất mà chúng ta cần đặt ra là "Tại sao chúng ta cần thay đổi cách dạy học?". Một số người thì cho rằng đó là vì chương trình thay đổi. Theo chương trình giáo dục hiện đại thì học sinh được coi là trung tâm của quá trình dạy và học. Chúng ta cũng có thể hỏi "Lấy học sinh làm trung tâm của quá trình dạy và học nghĩa là gì?". Có thể sẽ có một vài người cho rằng đó là các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, ví dụ như cách đặt câu hỏi, cách tổ chức hoạt động nhóm hay sử dụng giáo cụ trực quan vào bài học.
Để thay đổi các kỹ thuật dạy học, giáo viên cần phải thận trọng. Ở một số trường, giáo viên thường cảm thấy vui khi giới thiệu nhiều thứ "mới" trong lớp học của họ và họ tin rằng việc dạy học đã đổi mới theo hướng dạy học tích cực. Điều này có thực sự đúng không? Có một nguy cơ lớn là giáo viên tự hài lòng với bản thân trong khi thực tế thì lại rất ít học sinh có thể tiếp thu hết những cái mới đó. Trải qua một thời gian làm theo cách đó, khi nhận ra kết quả học tập của học sinh vẫn nghèo nàn, phụ huynh và giáo viên lại quay trở về cách dạy truyền thống dựa trên ghi nhớ và ôn luyện tập trung vào thời gian ngay trước kỳ thi.
Dưới đây là một số các quan điểm được coi như là triết lý của sinh hoạt chuyên môn: i) Đảm bảo cơ hội học tập cho mọi em học sinh; ii) đảm bảo các cơ hội phát triển chuyên môn cho mọi giáo viên; iii) đảm bảo cơ hội cho càng nhiều phụ huynh học sinh tham gia vào quá trình học tập càng tốt.
a (i) ĐẢM BẢO CƠ HỘI HỌC TẬP CHO MỌI EM HỌC SINH
Học sinh được coi là trung tâm của việc dạy và học bởi vì bản thân giáo dục là dành cho học sinh. Thuật ngữ "học sinh" ở đây hàm ý là những ai? Có phải nó đề cập đến một nhóm học sinh có thể nhanh chóng đáp ứng các yêu cầu của giáo viên? Thế còn những em có vẻ chậm hiểu và chậm đáp ứng yêu cầu của giáo viên thì sao? Trên thực tế, nhiều học sinh bị bỏ rơi và bị giáo viên đánh giá thấp. Tình trạng này dẫn đến sự phân chia lớn trong lớp học giữa nhóm "các em học tốt" và "những em còn lại". Trên thực tế thì mỗi em học sinh đều phải là một nhân vật chính trong trường học cho dù trình độ nhận thức, hoàn cảnh gia đình của em đó là thế nào. Giáo viên phải biết chấp nhận mọi em học sinh. Điều này nghe thì có vẻ dễ dàng và hiển nhiên nhưng lại rất khó thực hiện. Không có học sinh tốt hay xấu, mọi em học sinh đều rất đáng quý. Tương tự như vậy, không có nhận xét nào từ phía học sinh là tốt hay xấu, đúng hay sai, mọi nhận xét của các em đều đáng quý.
a (ii) ĐẢM BẢO CƠ HỘI PHÁT TRIỂN CHUYÊN MÔN CHO MỌI GIÁO VIÊN
Mọi giáo viên đều có quyền nâng cao năng lực chuyên môn của mình. Đạt được điều lý tưởng đảm bảo cơ hội học tập cho mọi học sinh là việc cực kỳ khó khăn. Vì vậy, hàng ngày giáo viên cần phải liên tục trau dồi chuyên môn. Không có khả năng chuyên môn, giáo viên sẽ dễ dàng từ bỏ việc nhận biết cảm nhận và suy nghĩ của học sinh cùng với việc tạo cơ hội cho các em được học tập có chất lượng. Nói cụ thể hơn, giáo viên cần phải có các khả năng sau: (1) hiểu những điều học sinh suy nghĩ và cảm nhận, (2) có kiến thức đầy đủ về các môn học để dạy và (3) quyết định các chiến lược và sắp xếp việc dạy phù hợp nhất. Giáo viên cần phải có đầy đủ cơ hội để học tập cùng với đồng nghiệp trong trường của họ để trở thành người có đủ năng lực trong các lĩnh vực nói trên.
a (iii) ĐẢM BẢO CƠ HỘI CHO CÀNG NHIỀU PHỤ HUYNH HỌC SINH THAM GIA VÀO QUÁ TRÌNH HỌC TẬP CÀNG TỐT
Ai là người nuôi dưỡng và phát triển học sinh? Trách nhiệm đó thuộc về ai? Đó là trách nhiệm không chỉ của riêng giáo viên mà còn là trách nhiệm của các bậc cha mẹ. Do vậy, mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường phải là mối quan hệ hợp tác. Phụ huynh có thể đóng góp hỗ trợ cho việc học của con em mình theo nhiều cách khác nhau. Phụ huynh có thể cung cấp thông tin hay tài liệu, đồ dùng. Phụ huynh có thể tham gia vào việc học của học sinh trên lớp. Họ có thể đóng vai trò là người học cùng học sinh trong bài học trên lớp. Họ cũng có thể hỗ trợ giáo viên khi giáo viên cần trợ giúp đặc biệt cho việc học của học sinh (ví dụ về môn Toán hoặc Tiếng Việt ở mức độ cơ bản). Họ còn có thể tham gia đóng góp ý kiến cho hội đồng nhà trường hay ban đại diện phụ huynh học sinh để tư vấn các chính sách và việc quản lý nhà trường.
Như đã đề cập ở trên, nhằm đạt được mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm, điều quan trọng đối với tất cả các bên liên quan như học sinh, giáo viên và phụ huynh là phải coi chính bản thân họ là những nhân vật chính ở trường học. Cung cấp cơ hội học tập cho tất cả các bên liên quan nói trên là cách phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu nói trên. Đây chính là nguyên lý nền tảng của sinh hoạt chuyên môn và đổi mới nhà trường dựa trên sinh hoạt chuyên môn và xây dựng cộng đồng học tập.