Chương 1
GIỚI THIỆU CHUNG
Sinh hoạt chuyên môn là cụm từ rất quan thuộc đối với mỗi người giáo viên bởi lẽ đó là một việc làm thường xuyên trong hoạt động của nhà trường. Đây là một trong các hình thức bồi dưỡng giáo viên, nhằm nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng học tập cho học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục nói chung.
Theo quy định, sinh hoạt chuyên môn được thực hiện hàng tuần ở tất cả các trường, mỗi giáo viên tham dự sinh hoạt chuyên môn ít nhất 2 lần trong một tháng và họ đều có sổ dự giờ, sổ ghi chép học tập nghiệp vụ cùng với các loại hồ sơ sổ sách chuyên môn khác như sổ điểm, sổ chủ nhiệm, sổ soạn bài v.v...
Các hình thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn phổ biến hiện nay bao gồm:
- Học tập chuyên môn nghiệp vụ. Nội dung học tập có thể theo các chuyên đề được xác định dựa trên nhu cầu của giáo viên của mỗi huyện, tỉnh hoặc theo chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung học tập còn là các văn bản chỉ đạo mới hoặc những nhiệm vụ mới trong năm học.
- Dự giờ học tập đồng nghiệp. Việc dự giờ có thể diễn ra tại trường hoặc cụm trường, chủ yếu theo các chuyên đề được xác định trong kế hoạch năm học. Ngoài ra, việc dự giờ tại trường cũng có thể theo chuyên đề nào đáp ứng nhu cầu của giáo viên trong trường. Thông thường một giáo viên được đánh giá là vững vàng về chuyên đề nào sẽ được phân công chuẩn bị và thực hiện giờ dạy được coi là "giờ dạy mẫu" của chuyên đề đó.
Người dự giờ sẽ theo dõi các hoạt động dạy của giáo viên để nhận xét về phương pháp, về việc phân bố thời gian, về các khâu, các bước của giờ dạy so với sách giáo khoa, sách giáo viên và các tài liệu hướng dẫn khác. Người dự giờ cũng chú ý đến các câu hỏi, các lời hướng dẫn của giáo viên, đồ dùng giáo viên sử dụng để xem có gì sai sót, bất hợp lý không.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xác định bồi dưỡng qua sinh hoạt chuyên môn là hoạt động quan trọng nhằm giúp cho giáo viên có đủ năng lực chủ động lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp đối tượng học sinh cụ thể của lớp mình, trường mình, song với cách dự giờ và nhận xét như mô tả ở trên, mục tiêu bồi dưỡng giáo viên khó có thể đạt được. Một số lý do có thể kể ra là: 1) Thứ nhất, giờ học được dự thường là giờ học với "kịch bản" được chuẩn bị rất kỹ vì đây là giờ mẫu minh họa cho nội dung chuyên đề, những mặt mạnh, kể cả năng khiếu, sở trường của giáo viên minh họa được sử dụng để thể hiện giờ dạy, do đó những gì quan sát được không giúp tháo gỡ những khó khăn của giáo viên khác và họ khó có thể áp dụng những gì học được vào thực tế dạy học của mình; 2) Thứ hai, nếu áp dụng những gì học được của đồng nghiệp, việc chỉ tập trung quan sát và nhận xét các hoạt động của giáo viên dễ dẫn đến việc áp dụng một cách máy móc, không phù hợp với đặc điểm học sinh và khả năng của chính giáo viên; 3) Thứ ba, do chỉ tập trung quan sát và nhận xét giáo viên nên những góp ý phê bình thường là áp đặt theo chủ quan của người nói, chung chung, tạo áp lực cho người dạy minh họa và làm nản lòng những giáo viên sẽ được phân công dạy minh họa. Hơn nữa, những nhận xét cũng thiếu tính thuyết phục, thậm chí gây nên những căng thẳng không đáng có do không dựa vào chứng cứ về việc học của học sinh.
Làm thế nào để qua mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn từng giáo viên sẽ học tập được một điều gì đó thật hữu ích cho chuyên môn nghiệp vụ của mình? Làm thế nào để sinh hoạt chuyên môn trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu của mỗi thầy cô giáo? Làm thế nào để sinh hoạt chuyên môn mang lại hiệu quả thiết thực nhằm nâng cao năng lực chuyên môn và mang lại hiệu quả học tập cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục?
CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC HỌC CỦA HỌC SINH
Để học sinh tham gia các hành động học tập thực sự, có ý nghĩa và có chất lượng, các em cần có các hành động: tìm kiếm, nghiên cứu, phân tích, thực hành, chia sẻ,... với hoạt động học tập cụ thể: thu thập, đọc, nghe, xem, quan sát, suy nghĩ, so sánh, phân loại, áp dụng, sáng tạo, thảo luận, trình bày, v.v... Các hành động đó phải dựa trên cơ sở của sự hứng thú, sự chủ động, sự thoải mái, hợp tác, có đủ thời gian, được chia sẻ và phản hồi,...
Tuy nhiên, việc học của học sinh hiện nay tồn tại 3 vấn đề cơ bản: (i) Môi trường lớp học (môi trường tinh thần) chưa thân thiện, thoải mái; (ii) Học sinh chưa thấy hứng thú thực sự nên học tập chưa tích cực, chủ động; (iii) Chất lượng việc học chưa cao.
a (i) MÔI TRƯỜNG LỚP HỌC CHƯA THỰC SỰ THÂN THIỆN, THOẢI MÁI
Môi trường lớp học thân thiện và thoải mái là điều kiện quan trọng để học sinh học tập tốt. Môi trường đó là môi trường tinh thần, thể hiện chủ yếu ở mối quan hệ giữa các thành viên trong lớp học.
Trong nhiều lớp học, quan hệ giữa giáo viên và học sinh còn thể hiện tính khuôn mẫu cứng nhắc, chưa thực sự tin cậy và thoải mái; thiếu quan tâm lắng nghe lẫn nhau; thậm chí có lớp học còn mang tính kỷ luật cao, khác xa với mối quan hệ giao tiếp thông thường làm cho việc học không thoải mái, thiếu tự nhiên và hấp dẫn. Một số giáo viên tự cho mình có quyền lực tối cao trong lớp học và luôn phân biệt bằng khoảng cách với học sinh. Một số giáo viên yêu cầu học sinh phải lễ phép và tôn trọng đến mức quá đáng, thường xuyên bắt lỗi học sinh và làm cho các em sợ sệt, lo lắng, không dám trình bày suy nghĩ của mình với thầy cô. Một số giáo viên lầm tưởng rằng quản lý lớp học bằng kỷ luật, làm cho học sinh biết sợ sẽ tạo ra nền nếp tốt. Đôi khi, vì bất lực mà giáo viên có xử sự bằng lời nói và hành vi tiêu cực với học sinh. Chúng ta có thể thấy rõ tính kỷ luật cứng nhắc ở những khẩu hiệu trong lớp học như: "Kỷ luật, trật tự", "Kỷ cương và nền nếp", những tiếng gõ thước mạnh và liên hồi để nhắc học sinh trật tự, chú ý vào bài học hay việc học sinh luôn phải "ngồi đẹp" theo yêu cầu giáo viên, chỉ được đứng lên, ngồi xuống khi được phép của giáo viên... Giáo viên thường đưa học sinh vào nền nếp, kỷ luật lớp học theo ý chủ quan vì cho rằng học sinh phải có nghĩa vụ và trách nhiệm như thế và quên mất những quyền lợi cơ bản của các em. Điển hình của những lớp học có kỷ luật còn thể hiện ở việc bố trí kiểu ngồi học của học sinh phổ biến theo mô hình tất cả học sinh đều ngồi nhìn hướng lên phía bục giảng, học sinh khó có thể tự nhiên khi trao đổi, cộng tác với bạn học khi các em thấy cần thiết.
Hơn nữa, quan hệ lớp học chưa thể hiện sự chấp nhận lẫn nhau. Sự chấp nhận lẫn nhau giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh với nhau là hiểu nhau thực sự, thừa nhận thực tại, tin cậy và lắng nghe lẫn nhau. Trong nhiều giờ học, chúng ta thường thấy chủ yếu giáo viên hỏi - học sinh trả lời nhưng hiếm khi thấy các em có cơ hội chủ động hỏi giáo viên, bạn bè hoặc thắc mác những gì mình chưa hiểu. Giáo viên chưa chấp nhận sự khác nhau của từng em học sinh. Cụ thể, họ có xu hướng quan tâm nhiều hơn, hài lòng, ưu ái và chấp nhận những học sinh nhanh chóng tiếp thu bài học, làm tốt các nhiệm vụ do giáo viên giao cho và có thái độ ngược lại với các em học sinh còn lại. Hơn thế nữa, nhiều cán bộ quản lý và giáo viên luôn cố đòi hỏi và phấn đấu đến "sự đồng đều" về kết quả thành tích học tập của học sinh.
Chúng ta cũng thường thấy giáo viên phàn nàn về chất lượng hoặc kết quả học tập của các em học sinh (đặc biệt các học sinh có lực học trung bình trở xuống) đồng thời lấy các lý do từ học sinh (chưa chăm học, chưa chú ý nghe giảng, tiếp thu chậm,...) để giải thích cho những kết quả đó. Hiếm khi thấy giáo viên nhận trách nhiệm về bản thân mình. Họ chưa có thói quen suy nghĩ: mọi việc làm suy cho cùng đều bắt đầu từ việc học của các em và cuối cùng cũng vì kết quả và thành tích học tập của từng em học sinh. Đồng thời, các em đến trường để học vì các em là học sinh (khác giáo viên), khi xem xét kết quả việc học tập của học sinh phải căn cứ từ việc dạy của giáo viên, nếu không có việc học của các em thì không có việc dạy của giáo viên.
Quan hệ lớp học với sự chấp nhận lẫn nhau là điều kiện đặc biệt quan trọng để tạo nên sự tương tác và phản hồi đa chiều trong các hoạt động học tập. Khi học sinh không có sự chấp nhận của giáo viên, các em cũng khó thực sự chấp nhận giáo viên. Giáo viên biết chấp nhận học sinh thì học sinh sẽ chấp nhận giáo viên, khi đó học sinh cũng sẽ biết chấp nhận lẫn nhau. Khi đã chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau, học sinh sẽ cộng tác với giáo viên và bạn bè trong giờ học. Lúc đó, lớp học sẽ trở nên nền nếp mà thoải mái, việc học sẽ thân thiện, có chất lượng hơn.
Nhiều giáo viên vẫn nghĩ rằng, môi trường lớp học đã thân thiện và thoải mái khi lớp học đã được trang trí sinh động, đẹp mắt hoặc treo các khẩu hiệu mới, kê bàn ghế theo cách mới... Nhưng thực tế thì việc làm đó đã thực sự đem lại sự thân thiện và thoải mái trong học tập của học sinh chưa? Điều đó, nếu không có sự quan sát, suy ngẫm việc học của mỗi học sinh thì giáo viên không dễ dàng nhận ra.
Trong nhà trường, học sinh học theo các lớp từ đầu cấp đến cuối cấp. Nếu suốt trong quá trình đó, môi trường lớp học thường xuyên thiếu thân thiện và thoải mái thì sẽ tạo ra nền nếp và thói quen học tập thụ động. Do đó học sinh không thể có động lực tham gia hoạt động học tập một cách chủ động, tích cực.
a (ii) HỌC SINH KHÔNG HỨNG THÚ TRONG KHI HỌC (BIỂU HIỆN RÕ Ở THÁI ĐỘ, LỜI NÓI, NÉT MẶT, CỬ CHỈ, ÁNH MẮT, HÀNH VI...).
Đứng trước cửa lớp các giờ học hàng ngày, chúng ta dễ bắt gặp tình trạng có những em học sinh uể oải, rầu rĩ và ánh mắt thiếu tập trung vào bài học. Đó là do nội dung bài học không phù hợp với các em. Học sinh giỏi thì không thích học vì bài học quá dễ và không thú vị, còn học sinh yếu thì không hiểu bài, không theo kịp tiến độ bài học. Khi nội dung bài học nhiều, cần nhiều hoạt động nên giáo viên phải đẩy nhanh tốc độ bài học, các em học sinh trung bình trở xuống dễ cảm thấy chán nản và bị tụt lại phía sau, thậm chí nhiều em học sinh yếu hay bị giáo viên bỏ quên. Các em thấy chán nản, không hứng thú do nội dung bài học và phương pháp tổ chức hoạt động học tập của giáo viên lệ thuộc vào sách giáo khoa (SGK) và sách giáo viên (SGV) nên không phù hợp bản thân.
Ngoài ra, chúng ta còn có thể bắt gặp hình ảnh những lớp học các em học sinh thi đua nhau chơi trò chơi, cười cợt, thi đua nhau trả lời những câu hỏi rất đơn giản, có tính ghi nhớ, hoặc nêu lại những gì đã viết trong SGK. Thoạt nhìn, có vẻ các em đang hứng thú học tập nhưng đó không phải hứng thú thực sự vì những hoạt động đó không có ý nghĩa gì với các em. Đó chính là sự hứng thú giả tạo, không có tác dụng khích lệ động lực và phát triển nâng cao chất lượng học tập cho học sinh.
Trên thực tế nhiều giờ học, việc học của học sinh khác với ý định của giáo viên nhưng nó vẫn diễn ra, kéo dài vì giáo viên không quan tâm để ý hoặc không nhận ra. Do đó, học sinh không hứng thú, quan tâm vào bài học và không thể học tốt theo những gì giáo viên muốn. Mặt khác, khi các hoạt động học tập diễn ra hình thức, hời hợt sẽ tạo cho học sinh có cảm giác nhàm chán, không hứng thú và quan tâm.
a (iii) CHẤT LƯỢNG VIỆC HỌC CỦA HỌC SINH CHƯA CAO
HỌC SINH "HỌC NHIỀU" NHƯNG "HIỂU ÍT"
Đây là vấn đề khá phổ biến, thể hiện cụ thể ở việc các em phải tham gia nhiều hoạt động trong một giờ học (thường 4-6 hoạt động) nhưng lại ít có ý nghĩa trong việc phát triển hiểu biết và năng lực của các em. Tham gia thực hiện nhiều hoạt động nhưng chủ yếu là các hoạt động học tập hình thức, kém ý nghĩa. Tính hình thức thể hiện ở chỗ các hoạt động đó không phù hợp với thực tế năng lực và sự quan tâm của các em. Hơn nữa, lượng nội dung trong mỗi bài học khá nhiều khiến học sinh luôn phải chạy đua với thời gian để hoàn thành hết nội dung bài học, tốc độ giờ học thường diễn ra khá nhanh. Học sinh không kịp hiểu bài hoặc muốn hiểu thêm nhưng không còn cơ hội. Nhiều khi các em chỉ cần biết, ghi nhớ và làm thuần thục các kỹ năng thông thường (đọc, viết, nghe, nói, tính toán).
Chính vì phải đẩy nhanh tiến độ học tập và nội dung học tập không phù hợp với nhu cầu, khả năng của các đối tượng học sinh nên các hoạt động học tập (kể cả hoạt động nhóm và cá nhân) thường diễn ra vội vàng, hình thức, thiếu tự nhiên và tính cộng tác.
Nhìn qua, chúng ta thường nghĩ các em đang học nhưng khi quan sát và suy ngẫm sâu sắc về việc học của các em, trong nhiều thời điểm trong một giờ học, chúng ta thấy các em chưa học thực sự.
Mặc dù học nhiều nội dung nhưng nội dung học tập ở mức độ nhận thức thấp, nông cạn và kém ý nghĩa. Tính kém ý nghĩa thể hiện ở chỗ các hoạt động học tập được thực hiện bằng các nhiệm vụ, bài tập, câu hỏi giao cho học sinh thường không đòi hỏi học sinh phải suy nghĩ sâu, mỗi khi có một học sinh trả lời đúng câu hỏi do giáo viên đưa ra thì việc học lại chuyển sang nội dung khác. Có giờ học, các em chỉ cần rèn luyện làm đi làm lại cho đúng và thành thạo các bài tập nhưng chưa hiểu sâu ý nghĩa hoặc mối liên quan những nội dung đó. Mặt khác, vì nội dung bài học nhiều, học sinh phải đẩy nhanh tiến độ học theo kịp sự điều khiển của giáo viên, dẫn đến các em không đủ thời gian suy nghĩ, đào sâu, phát triển mở rộng hiểu biết, nhiều em không kịp hiểu bài, tụt lại phía sau. Các em ít có cơ hội đào sâu suy nghĩ, hiểu sâu sắc ý nghĩa bản chất, khám phá và mở rộng hiểu biết, hình thành các năng lực tư duy, năng lực học tập, khả năng diễn đạt, tăng cường thái độ học tập, động lực học tập...
Việc học đó của các em chỉ là "tìm kiếm câu trả lời đúng", nông cạn và kém ý nghĩa. Như vậy, xét theo quan điểm học tập thực sự và học tập có ý nghĩa thì chất lượng học tập của học sinh và ở nhiều giờ học, môn học chưa đảm bảo. Các em học nhiều (thời gian và số lượng kiến thức, hoạt động học tập nhiều) nhưng hiểu ít (thiếu độ sâu và chiều rộng hiểu biết, thiếu các năng lực mới).
Tóm lại, các vấn đề lớn và căn bản liên quan đến việc học của học sinh nêu trên quyết định trực tiếp và lâu dài đến chất lượng việc học của từng học sinh, ở mọi lớp học và bài học. Các vấn đề đó không có tính chất đơn lẻ, nó có mối quan hệ khăng khít với nhau, tác động qua lại với nhau. Đồng thời, chúng cùng có một nguyên nhân xuất phát từ nhận thức và năng lực chuyên môn của người giáo viên.
CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC PHÁT TRIỂN CHUYÊN MÔN CỦA GIÁO VIÊN
Các vấn đề liên quan đến việc học của học sinh nêu trên có các nguyên nhân cơ bản sau:
a) Giáo viên không biết hoặc chưa nhận ra được vấn đề liên quan đến việc học của học sinh, chưa quan tâm và chưa thấy được ý nghĩa của vấn đề đó. Kể cả khi giáo viên có nhận ra vấn đề nhưng tự bản thân họ chưa biết cách tìm và phân tích nguyên nhân, rồi xác định làm thế nào để cải thiện tình hình đó. Nhiều giáo viên chưa có ý thức thường xuyên tự đặt ra và tìm câu trả lời cho những câu hỏi sau:
- Học sinh học như thế nào?
- Học sinh có học thực sự không?
- Việc học đó ý nghĩa gì với các em? Tại sao?
- Từng em học sinh học như thế nào?
- Sự thay đổi hoặc phản ứng của từng em học sinh trong các thời điểm khác nhau của giờ học như thế nào? Tại sao?...
b) Do phương thức dạy học "Tìm kiếm câu trả lời đúng" đã trở thành lối mòn trong mỗi giáo viên. Giáo viên thường dạy học theo kinh nghiệm, truyền lại và phụ thuộc vào định hướng của SGK và SGV. Họ chưa biết lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học phù hợp với các em, cũng như điều chỉnh việc dạy phù hợp với việc học của các em trong những tình huống cụ thể. Do vậy, giúp giáo viên thay đổi các thói quen, kỹ năng dạy học truyền thống rất cần có cách tiếp cận mới, lâu dài và kiên trì trong bồi dưỡng chuyên môn cho họ.
c) Giáo viên áp dụng cách quản lý lớp học kiểu truyền thống nên tạo ra văn hóa lớp học truyền thống với biểu hiện như: nhiều kỷ luật, nghi thức, thiếu đối thoại đa chiều giữa các thành viên trong lớp học (giáo viên - học sinh, học sinh - học sinh, học sinh - giáo viên). Giáo viên chỉ quan tâm mối quan hệ bản thân với "học sinh - cả lớp), chưa có ý thức và thói quen quan tâm chú ý riêng tới từng đối tượng học sinh. Trong mối quan hệ đó, thói quen tạo ra quyền lực và những quy tắc lớp học cứng nhắc của người giáo viên vô hình chung tạo ra những khoảng cách thầy và trò, trò với trò.
Hiện nay, nhiều giáo viên vẫn chưa học được cách chấp nhận học sinh - là một điều kiện đặc biệt quan trọng trong giáo dục lấy học sinh làm trung tâm. Giáo viên chưa hiểu được chính sự tôn trọng, chấp nhận nhân cách học sinh là những điều kiện quan trọng đầu tiên trong giáo dục phát huy tính tích cực, lấy học sinh làm trung tâm.
d) Nhìn chung, còn nhiều giáo viên thiếu các năng lực mới như: các hiểu biết liên quan đến nội dung dạy học, các kiến thức, kỹ năng mới về tâm lý, giáo dục học như năng lực quan sát, lắng nghe, cảm nhận, phản ứng tinh tế và nhạy cảm trước việc học của riêng từng cá nhân học sinh - một điều rất cần thiết với giáo viên để đáp ứng tốt nhất việc học của từng cá nhân học sinh.
Giáo viên không hoặc chưa có khả năng tự giám sát, theo dõi và điều chỉnh bản thân do đặc tính môi trường làm việc có tính đơn lẻ giữa các lớp học khác nhau, do vậy công việc của họ bị ngăn cách bởi những bức tường hữu hình và vô hình.
Để khắc phục được các vấn đề liên quan đến việc học của học sinh hiện nay, cần phải có cách tiếp cận mới để giúp giáo viên nhận ra vấn đề, hiểu rõ nguyên nhân, sự cần thiết cũng như cách thay đổi.
Trước tiên là giáo viên phải tự mình nhận ra vấn đế đó có liên quan bản thân mình cũng như với đồng nghiệp trong trường mình. Từ việc nhận ra vấn đề và nguyên nhân, hiểu rõ sự cần thiết và ý nghĩa của việc phải thay đổi, giáo viên sẽ biết cách và có khả năng cải thiện chất lượng việc học của học sinh và đổi mới nhà trường.
Như vậy, việc phát triển năng lực chuyên môn của giáo viên là yêu cầu tất yếu, cấp thiết và phải có chính sách cụ thể của các cấp quản lý giáo dục và mỗi nhà trường.