1. Vận dụng phương pháp dạy học vi mô (PPDHVM) để phát triển nghiệp vụ sư phạm (NVSP) cho sinh viên (SV) ngành Sư phạm
Vi mô (Micro) là cụm từ để chỉ sự nhỏ lẻ. Dạy học vi mô (DHVM) hay còn gọi là “dạy học trích đoạn” nghĩa là có thể chia một tiết học bình thường thành những tiết học nhỏ, ngắn. DHVM thể hiện rõ nhất bản chất ở giai đoạn tập giảng, giảng viên (GV) cần chia nhỏ các hoạt động. Mỗi SV chỉ nên thực hành tập giảng một đến hai hoạt động (ví dụ (VD) hoạt động: kiểm tra bài cũ và giới thiệu bài mới; dạy cấu tạo và tính chất vật lí; một tính chất chi tiết trong tính chất hoá học; điều chế và ứng dụng…). Mỗi SV có thể chọn từng đoạn ngắn từ 15-20 phút trong các bài học – với dụng ý rèn luyện cho SV một KN, năng lực xác định trong hệ thống các năng lực sư phạm của chương trình đào tạo. Bài học ngắn được ghi hình, phát lại trên màn hình với số lần cần thiết để từng nhóm SV, dưới sự hướng dẫn của GV, tập dượt quan sát sâu sắc, phân tích tỉ mỉ, thảo luận rút kinh nghiệm, đề xuất cải tiến theo hướng vận dụng những kiến thức lí luận đã học, qua đó SV thấy được mình trên màn hình, tự đánh giá mức độ đạt được ưu khưyết điểm và mức độ các KN sư phạm của chính bản thân từ đó thảo luận rút kinh nghiệm, đề xuất cải tiến theo hướng vận dụng những kiến thức lí luận đã học.
2. Quy trình sử dụng DHVM vào hướng dẫn tập giảng Hóa học
Quy trình rèn luyện KNDH bằng PPDHVM cần phải được tiến hành từ ít đến nhiều, từ đơn giản đến phức tạp, gồm 3 giai đoạn sau (xem hình 1):
Hình 1. Sơ đồ các giai đoạn luyện tập của PPDHVM
1) Giai đoạn 1 (định hướng chung) là giai đoạn đầu tiên, rất quan trọng của quá trình rèn luyện bằng PPDHVM. Ở giai đoạn này, GV sẽ cung cấp cho SV những định hướng cơ bản của PPDHVM như: - Khái niệm PPDHVM; - Các cơ sở tâm lí học của PPDHVM; - Ý nghĩa của PPDHVM trong đào tạo GV; - Các bước tiến hành PPDHVM; - Khái niệm KNDH, các KNDH cần rèn luyện cho SV sư phạm hóa học; - GV hướng dẫn tập giảng cung cấp những cơ sở lí thuyết của KN cần rèn luyện; cách thức quan sát và đưa ra những nhận xét về đoạn băng ghi hình về DHVM đã trình chiếu; tiếp theo GV sẽ biểu diễn (làm thị phạm) KN mẫu cho SV xem một đoạn băng ghi hình mẫu; cả nhóm phân tích, thảo luận về KN vừa được quan sát.
2) Giai đoạn 2 (rèn luyện KN đơn lẻ) thực hiện theo các bước sau: - Bước 1: SV tiến hành lập kế hoạch cho một BHVM trong vòng 5-15 phút; - Bước 2: Tiến hành tập giảng lần 1 với BHVM đã được chuẩn bị trong vòng từ 5-15 phút. Phần giảng tập lần 1 này nên được tiến hàn dưới sự giám sát của GV hướng dẫn thực hành và phải được SV tập giảng trước ở nhà. BHVM lần 1 sẽ được ghi hình; - Bước 3: SV xem lại đoạn băng ghi hình BHVM, thảo luận và đưa ra phản hồi. Đối với những SV quan sát, đây là lần đầu quan sát thứ hai, họ sẽ có thêm cơ sở chắc chắn để đưa ra những nhận xét của mình vào phiếu đánh giá. Đối với SV tập giảng thì đây là lần quan sát mang ý nghĩa củng cố, nó có ý nghĩa đặc biệt vì học sẽ ghi nhận được những điểm đã làm được và chưa làm được một cách khách quan, có cơ sở xác thực. Thời gian tiến hành thảo luận nên được giới hạn trong khoảng 5-7 phút; - Bước 4: Chỉnh sửa lại kế hoạch của BHVM. SV vừa tham gia luyện tập sẽ sửa lại BHVM của mình trên cơ sở những phản hồi vừa nhận được. Để tiết kiệm thời gian, phần lập lại kế hoạch này được thực hiện ở nhà; - Bước 5: SV giảng tập lần 2: Lần giảng tập này nên được tiến hành trong một buổi rèn luyện khác, theo hình thức tự rèn luyện, không có GV hướng dẫn thực hành và cũng không cần thiết phải ghi hình. Tuy nhiên, nên khuyến khích SV sử dụng điện thoại di động hoặc máy ảnh kĩ thuật số hỗ trợ việc ghi hình DHVM trong các nhóm tự rèn luyện. Cách thức tiến hành trên sẽ giúp cho việc áp dụng PPDHVM vào quá trình đào tạo GV mang tính khả thi và phù hợp với chương trình đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở các trường ĐHSP ở nước ta; - Bước 6: SV luyện tập tự xác nhận KN được rèn luyện vào hệ thống KN đã có của bản thân.
Trong 6 bước trên, từ bước 2 đến bước 5 có thể được lặp lại nhiều lần đến khi KN được rèn luyện đạt yêu cầu. Giai đoạn này được thể hiện thông qua sơ đồ sau (xem hình 2):
Hình 2. Quy trình sử dụng PPDHVM trong gia đoạn 2 và 3
3) Giai đoạn 3 (rèn luyện kết hợp nhiều KN): các bước tiến hành ở giai đoạn 3 giống như giai đoạn 2. Tuy nhiên, ở giai đoạn chuẩn bị BHVM, SV phải chú trọng rèn luyện kết hợp một số KNDH đã được rèn luyện trong giai đoạn 2. Các phiếu đánh giá cũng được thay đổi cho phù hợp với mục đích đánh giá tổng hợp nhiều KN. Quá trình rèn luyện được tái diễn theo chu trình: "lập kế hoach dạy phản hồi lập lại kế hoạch dạy lại phản hồi lại,...” cho cả giai đoạn rèn luyện KN đơn lẻ và kết hợp. Chu trình này có thể lặp lại tới khi SV đạt được kết quả nhất định về các KN cần rèn luyện. Tuy nhiên, khi lặp lại chu trình lần thứ 2 hoặc lần thứ 3, SV có thể tự rèn luyện trong nhóm mà không cần sự có mặt của GV. Điều này sẽ giúp cho quá trình luyện tập rút ngắn được thời gian, BHVM vẫn được đảm bảo các yêu cầu rèn luyện KN sư phạm. Trong quá trình rèn luyện KNDH cho SV, giai đoạn 2 và 3 được tiến hành đan xen với nhau. Nghĩa là sau một chu trình được rèn luyện KNDH đơn lẻ lại có một chu trình rèn luyện kết hợp nhiều KNDH. Giai đoạn rèn luyện kết hợp nhiều KNDH dựa trên những KNDH đơn lẻ đã được rèn luyện trước đó. Cách thức tiến hành này giúp cho SV áp dụng ngay những KNDH đơn lẻ vừa được rèn luyện vào một chu trình rèn luyện kết hợp. Trong quá trình rèn luyện kết hợp, các KN đơn lẻ được rèn luyện lặp lại với một tần suất nhất định, các KNDH đơn lẻ sẽ được hòa quyện với nhau trong một BHVM, từ đó KNDH được hình thành sẽ có chất lượng tốt và gần hơn với thực tế dạy học Hóa học ở trường phổ thông (xem hình 3).
Hình 3. Quy trình sử dụng PPDHVM để rèn luyệnKNDH cho SV
3. Những ưu điểm khi áp dụng PPDHVM vào hướng dẫn tập giảng
Ứng dụng DHVM vào rèn KN soạn giảng cho SV mang lại hiệu quả vì chia lớp thành những lớp học nhỏ (tổ/nhóm) đã tạo môi trường học tập rèn luyện gần gũi thân thiện hơn để soạn giảng ở lớp lớn. Điều này đã khuyến khích được nhiều em tự tin mạnh dạn tích cực tham gia hưởng ứng giảng tập, kể cả những SV nhút nhát, trung bình và yếu. Chia nhỏ các hoạt động dạy học đã tạo sự tự giác, chủ động, hứng khởi, sáng tạo cho SV. Do chỉ soạn giảng một hoạt động, nên dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đầu tư nghiên cứu so với phải soạn giảng cả bài hoặc tiết học. Mặt khác, được chú trọng rèn từng KN tiểu tiết nhất đã góp phần rèn và nâng cao KN nghiệp vụ sư phạm cụ thể cho từng cá nhân. (VD: KN xây dựng mục tiêu, đặt câu hỏi, trình bày bảng, diễn đạt, xử lí tình huống, sử dụng PPDH, ứng dụng công nghệ thông tin,…). Thời gian tập giảng theo hoạt động diễn ra ngắn gọn, không gây căng thẳng áp lực cho SV tập giảng và cũng không tạo nhàm chán, ức chế cho người dự. Bởi mỗi SV tham gia tập giảng đã tạo nên những phong cách đa dạng khác nhau. Điều đó cũng tạo cơ hội không những cho các em thể hiện bản thân mà còn học hỏi và chia sẻ với nhau rất nhiều. Soạn giảng theo DHVM còn giúp các em có nhiều cơ hội hình thành, phát triển, hoàn thiện các KN sư phạm và nhân cách một cách khoa học vững chắc, tránh được kiểu giáo dục nặng về lí thuyết giáo điều. Đặc biệt, những SV sau khi được xem clip ghi hình của chính mình, được phản hồi rút kinh nghiệm, được giảng lại lần thứ hai, ba đã tiến bộ rõ rệt (so sánh những lần ghi hình). Từ đó, SV có thể thường xuyên rèn luyện KNDH trong những hoàn cảnh phù hợp một cách chủ động. Các đoạn băng ghi hình và những phản hồi sẽ cung cấp những "mẫu" về công việc giảng dạy cho SV, giúp SV lựa chọn những "mẫu" phù hợp với phong cách của bản thân mình. Vì vậy, PPDHVM tuyệt nhiên không làm cho quá trình giảng dạy trở nên rập khuôn và cứng nhắc. Trong môi trường của PPDHVM, SV được luyện tập những tình huống đa dạng của lớp học, từ đó KNDH của họ mang tính mềm dẻo, họ học được cách áp dụng vào thực tiễn.
Như vậy, SV có thể thay đổi nhanh hơn về thái độ cũng như các ứng xử sư phạm so với các phương pháp đào tạo truyền thống. DHVM cũng có điều kiện ứng dụng thuận lợi hơn trong những buổi SV tự tập giảng nhằm rèn luyện NVSP cho mỗi SV trước khi thực hành tập giảng chính khóa. Có thể tận dụng được nhiều phòng học để tổ chức chia lớp thành nhiều lớp nhỏ (tổ/nhóm) tập giảng. Các điều kiện vật chất: thời gian, lớp học, bảng đen, bàn ghế, bạn ngồi dự… cũng linh hoạt hơn. Các tổ/nhóm xây dựng theo quy mô lớp nhỏ được làm việc ở những phòng học độc lập. Lần lượt SV tự giác tập giảng, dự giờ, ghi hình, phản hồi rút kinh nghiệm và tập giảng lượt hai, ba… GV chỉ quan sát hỗ trợ từng nhóm khi cần thiết. Phản hồi, dự giờ rút kinh nghiệm vẫn được tiến hành trên tinh thần, nguyên tắc, bản chất DHVM và dạy học tích cực. Kết thúc quá trình thực hành giảng tập, GV nên tổ chức cả lớp tự đánh giá và rút kinh nghiệm chung về KN soạn giảng một kiểu bài. Tuy nhiên, cũng như bất cứ một PPDH nào, áp dụng DHVM vào thực hành soạn giảng cũng có những hạn chế nhất định: bài giảng bị chia cắt thành nhiều hoạt động nhỏ, nếu không khéo xử lí và không có sự chuyển giao hợp lí giữa các SV, dễ biến thành vụn vặt, mất tính logic, thống nhất, phải tôn trọng tính hệ thống có chủ định, hướng tới hình thành những năng lực cơ bản đòi hỏi ở mỗi người học. Cũng do chia cắt nhỏ bài giảng, nên đôi khi các hoạt động lệch nhau do cấu trúc kế hoạch bài giảng không trùng nhau, và do các SV không hợp ý nhau trong cách trình bày bảng và diễn đạt (giữa hai nội dung dạy học kế tiếp nhau). Cần đề phòng khuynh hướng rập khuôn, máy móc, buộc người học phải hành động theo một mẫu cứng nhắc, ngăn cản sự hình thành phong cách sư phạm của mỗi cá nhân. Những ý kiến đóng góp sau bài dạy của người học phải trên tinh thần xây dựng, không nên phê phán quá gay gắt. Khi sử dụng PPDHVM nên quan tâm và động viên những thành công của người học. Đối với SV trực tiếp giảng dạy cần có thái độ tiếp thu tích cực các nhận xét của thầy cô và các bạn với tinh thần lẳng nghe có chọn lọc trên cơ sở lí luận và thực tiễn về DHVM.
Nếu đầy đủ phương tiện, DHVM sẽ trở thành phương thức tự đào tạo theo nhu cầu và khả năng của mỗi SV. DHVM khắc phục được tình trạng chỉ nặng về lí thuyết, giúp cho SV hình thành và phát triển các năng lực nghề nghiệp một cách tuần tự, vững chắc, chuẩn bị cho khi ra trường có thể tự tin và thành công trong dạy học ở trường phổ thông. PPDHVM khuyến khích sử dụng các KNDH hiệu quả không những cho GV mới vào nghề mà còn cho GV đã có kinh nghiệm giảng dạy. Vì vậy, việc sử dụng PPDHVM không chỉ trong quá trình đào tạo ban đầu, mà còn rất hiệu quả trong đào tạo lại và bồi dưỡng giáo viên.
---------------------------
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Kim Ánh - Đặng Thị Oanh. "Sử dụng phương pháp dạy học vi mô để rèn luyện kĩ năng nghề cho SV khoa Hóa học ngành sư phạm ở các trường đại học”. Hội thảo khoa học, Trường ĐHSP Hà Nội, 2009.
2. Bộ GD-ĐT. Dạy học và tích cực. Tài liệu tập huấn, dự án Việt - Bỉ, 2006.
3. Đặng Văn Đức - Trần Thị Thanh Thuỷ. "Sử dụng phương pháp Dạy học vi mô trong các tiết thực hành phương pháp giảng dạy cho sinh viên Khoa Địa lí, Trường ĐHSP Hà Nội". Tạp chí khoa học, Trường ĐHSP Hà Nội, số 4/2006.
4. Website dạy và học tích cực: http://atl.edu.net.vn; http://www.vvob.be/vietnam