Hội Hoá học Việt Nam, Hội Giảng dạy hoá học phối hợp với VTV đài truyền hình Việt Nam sẽ tổ chức cuộc gặp mặt giữa các cựu NCS, học viên Cao học do GS.TSKH. NGND. Nguyễn Cương hướng dẫn. Cuộc gặp nhằm vinh danh GS. Nguyễn Cương nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2023 và cũng là nhân dịp Thầy Cương 90 tuổi, đồng thời cũng động viên đội ngũ nhà giáo Hoá học ở Việt Nam. Cuộc gặp mặt sẽ diễn ra từ 9 giờ sáng ngày 26 tháng 10 năm 2023 tại phòng họp của khoa Hoá học, nhà A4, trường Đại học sư phạm Hà Nội, 136 đường Xuân Thủy, phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy Hà Nội. Dự kiến sẽ có 15 cựu nghiên cứu sinh (trong số 22 nghiên cứu sinh đã được đào tạo) và 4 học viên thạc sĩ (trong số 64 thạc sĩ do GS Cương hướng dẫn) đến dự. Lãnh đạo Hội Hoá học Việt Nam cùng với lãnh đạo trường Đại học Sư phạm Hà Nội và lãnh đạo khoa Hoá học của trường sẽ cử đại diện đến dự cuộc họp mặt. Cuộc họp mặt này là một sự động viên cho các Nhà giáo đã tận tụy đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước ta.

   Sau đây là thành tích tóm tắt của GS.TSKH.NGND. Nguyễn Cương

   Một nhà giáo sau 47 năm công tác được nghỉ hưu vẫn say mê bền bỉ đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo. Đó là giáo sư, tiến sĩ khoa học, nhà giáo nhân dân Nguyễn Cương, nguyên là giảng viên cao cấp của khoa Hoá học trường Đại học sư phạm (ĐHSP) Hà Nội.

        Giáo sư Nguyễn Cương sinh ngày 7 tháng 1 năm 1935 tại thôn Lại Xá xã Thanh Thủy huyện  Thanh Hà tỉnh Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp trường cấp 3 Ngô Sỹ Liên tỉnh Bắc Giang năm 1953, Ông được cử đi học trường Sư phạm cao cấp ở Khu học xá trung ương (đóng ở Quảng Tây Trung Quốc), sau đó về Hà Nội học tiếp năm thứ hai và năm thứ ba ở trường Đại học Sư phạm Khoa học Hà Nội. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp Ông được cử làm giáo viên hoá học trường Sư phạm Trung cấp trung ương. Năm 1959, Ông được cử về trường Đại học sư phạm Hà Nội làm giảng viên Hoá học bộ môn Hoá Vô cơ. Từ năm 1962, Ông chuyển sang bộ môn Giáo học pháp hoá học, nay là bộ môn Lý luận và phương pháp giảng dạy hoá học. Năm 1970, Ông bảo vệ luận án Phó tiến sĩ ở Liên Xô. Năm 1987, Ông bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học ở Liên Xô, là người thứ tư ở Việt Nam có chức vụ khoa học giáo sư và học vị tiến sĩ khoa học về khoa học giáo dục, sau GSVS Phạm Minh Hạc và GS.TSKH Hồ Ngọc Đại (về Tâm lý học), GS.TSKH Thái Duy Tuyên (về giáo dục học). Ông được phong chức danh khoa học Giáo sư năm 1992.

       GS Nguyễn Cương đã được giao nhiều nhiệm vụ khác nhau trong 47 năm công tác và hơn 21 năm khi đã nghỉ hưu: là Trưởng bộ môn Lý luận và phương pháp giảng dạy hoá học của khoa Hoá học trường ĐHSP Hà Nội (năm 1973 - 1975 và 1994 - 2002), Chủ nhiệm khoa Hoá học trường ĐHSP Hà Nội (1976 - 1982), Bí thư Đảng ủy khoa Hoá học (1991), Phó Hiệu trưởng và Ủy viên thường vụ Đảng Ủy trường ĐHSP Hà Nội (1982 - 1985 và 1987 - 1990), Trưởng tiểu ban bồi dưỡng và kiểm tra kiến thức nghiên cứu sinh đi học nước ngoài của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp về Phương pháp dạy học Vật lí, Hoá học, Sinh học, sau đó là Phương pháp dạy học tất cả các bộ môn của trường phổ thông (từ 1983 - 1990). GS Nguyễn Cương là Phó chủ tịch Hội Hoá học Việt Nam kiêm chủ tịch Hội giảng dạy hoá học Việt Nam từ năm 2011 đến hết năm 2022.    

      Trong bài viết này xin giới thiệu về 2 trong số nhiều đóng góp của Giáo sư:

1. GS.TSKH. Nguyễn Cương có đóng góp lớn trong đào tạo nhiều giáo viên hoá học, nhiều nhà khoa học của ngành  học về Lý luận và phương pháp giảng dạy hoá học cho đất nước.

1.1. Đào tạo nhiều giáo viên hoá học cấp 2 và cấp 3 trường phổ thông.

Từ năm 1956 đến 1959, GS Cương giảng dạy hoá học tại trường Sư phạm Trung cấp trung ương ( 3 khoá giáo viên cấp 2 về khoa học tự nhiên). Từ năm 1959 đến 1962, giảng dạy lý thuyết và thực hành về Hoá Vô cơ ( 3 khoá sinh viên ), từ 1963 đến 1985, giảng dạy lý thuyết và thực hành về Lý luận và phương pháp giảng dạy hoá học (hơn 20 khoá sinh viên, mỗi khoá có 2 đến 4 lớp học).

1.2. Đào tạo 64 thạc sĩ về Lý luận và phương pháp giảng dạy hoá học. Trực tiếp hướng dẫn được 64 thạc sĩ là giảng viên hoá học của các trường Cao đẳng sư phạm, cán bộ của các Sở giáo dục và giáo viên hoá học của các trường phổ thông.

1.3. Đã trực tiếp hướng dẫn, đào tạo 22 luận án tiến sĩ về Lý luận và phương pháp giảng dạy hoá học, đã có 21 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, nghiên cứu sinh thứ 22 sẽ bảo vệ luận án vào năm 2024. 

      Trong 22 nghiên cứu sinh đã có 6 tiến sĩ  được phong hàm Phó Giáo sư: Nguyễn Quang Huỳnh (bảo vệ năm 1990, được phong hàm PGS năm 1992), Đặng Thị Oanh (bảo vệ năm 1995, được phong hàm PGS năm 2004), Trần Quốc Đắc (bảo vệ năm 1996, được phong hàm PGS năm 2006), Lê Văn Năm (bảo vệ năm 2001, được phong hàm PGS năm 2007), Trịnh Văn Biều (bảo vệ năm 2003, được phong hàm PGS năm 2008), Hoàng Thị Chiên (bảo vệ năm  2005, được phong hàm PGS năm 2015).

       Một số cựu nghiên cứu sinh của GS Cương đã trở thành trưởng khoa Hoá học các trường Đại học sư phạm  hoặc lãnh đạo các trường  Đại học, Cao đẳng như: Đặng Thị Oanh là trưởng khoa Hoá học trường ĐHSP Hà Nội, Lê Trọng Tín và Trịnh Văn Biều là trưởng khoa Hoá học trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh, Lê Văn Năm là trưởng khoa Hoá học Đại học Vinh, Hoàng Thị Chiên là phó trưởng khoa Hoá học trường ĐHSP Thái Nguyên, Bùi Thị Hạnh là Hiệu trưởng trường Cao đẳng kinh tế kĩ thuật và thủy sản Bắc Ninh, Nguyễn Thị Hồng Gấm là Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Hải Dương và mới được cử làm Phó hiệu trưởng trường Đại học Hải Dương, Dương Huy Cẩn là trưởng khoa Giáo dục tiểu học trường Đại học Đồng Tháp.

 

 

2. Có đóng góp quan trọng trong việc biên soạn giáo trình môn học Lý luận và phương pháp giảng dạy hoá học về lý thuyết và thực hành, biên soạn sách giáo khoa Hoá học lớp 8 trường phổ thông và sách tham khảo về hoá học

     Tổng số sách đã viết là 34 cuốn. Từ 1962 đến 2002 viết 17 cuốn, từ khi nghỉ hưu đến nay đã viết 17 cuốn. Tổng số trang sách in lần thứ nhất là  hơn 3.900 trang (đồng tác giả), viết một mình 709 trang.

2.1. Biên soạn giáo trình môn học:

 Dưới đây là vài quyển sách tiêu biểu:

1/ Giáo trình giáo học pháp hoá học. Tác giả là Hoàng Hạnh, Nguyễn Cương, Nguyễn Đức Chuy. Nhà xuát bản Giáo dục. Hà Nội. 1962.

2/ Lý luận và Phương pháp giảng dạy hoá học. Tập I. Tác giả là  Nguyễn Ngọc Quang, Nguyễn Cương, Dương Xuân Trinh. NXB Giáo dục. 1975 và tái bản có bổ sung năm 1982.

3/ Thí nghiệm hoá học ở trường phổ thông. Tập I (năm 1965), tập II (năm 1966). (đồng tác giả). NXB Giáo dục.

4/ Nguyễn Cương. Phương pháp dạy học và thí nghiệm hoá học. NXB Giáo dục. 1999.

5/ Nguyễn Cương. Phương pháp dạy học hoá học ở trường phổ thông và đại học. Một số vấn đề cơ bản. NXB Giáo dục. 2007.

6/ Nguyễn Cương chủ biên, Thực hành thí nghiệm Phương pháp giảng dạy hoá học. NXB ĐHSP. 2009, 2022.

2.2. Biên soạn sách giáo khoa trường phổ thông:   

7/ Sách giáo khoa Hoá học lớp 8 của Lê Xuân Trọng (tổng chủ biên),  Nguyễn Cương (chủ biên) và Đỗ Tất Hiển. NXB Giáo dục, 2004, mỗi năm in  lại một lần, đến năm 2022 đã tái bản 14 lần, mỗi lần 200.000 bản.

 8/ Vở bài tập hoá học lớp 8, NXB Giáo dục. 2005, tái bản nhiều lần, nhiều năm, có năm in  trên 300.000 bản.

 Ngoài 2 đóng góp lớn trên đây, GS Nguyễn Cương đã có công vận dụng những thành tựu của khoa học tiên tiến trên thế giới kết hợp với thử nghiệm áp dụng ở Việt Nam, thông qua nhiều đề tài khoa học và nhiều hội thảo, đề xuất cách giải quyết một số vấn đề bức xúc của Giáo dục đào tạo nước ta.

  Do có công lao to lớn liên tục và bền bỉ đóng góp cho nền giáo dục và đào tạo nước nhà nên GS Nguyễn Cương đã được nhà nước và các cơ quan ở nhiều cấp khen thửơng:  được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục năm 1981, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo các năm 2012, 2014 và 2019, được tặng Bằng khen của Liên hiệp các Hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam năm 2022, được thưởng Huân chương lao động Hạng Ba năm 1987,  được tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” năm 1988, chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2000, nhà giáo nhân dân năm 2008,  huy hiệu 60 năm tuổi Đảng năm 2021.

   Nhà giáo nhân dân, giáo sư tiến sĩ khoa học Nguyễn Cương là tấm gương sáng cho các thế hệ nhà giáo đang tiếp bước nhiệm vụ giáo dục hoá học ở Việt Nam.

 

08:00:01 01/01/1970 - Lượt xem: 1187
Tin liên quan